Vẽ Khối Cầu Đúng Chuẩn Sau 4 Bước
Vẽ khối cầu tưởng chừng như đơn giản nhưng đây lại là một khối khá khó vẽ từ dựng hình sao cho tròn, tới đánh bóng sao cho ra khối. Sau đây sẽ là hướng dẫn chi tiết tất tần tật về vẽ khối chuẩn đúng chuẩn mỹ thuật.
Các bước Vẽ Khối Cầu Đúng Chuẩn
Hình hoạ là môn toán vẽ, diễn tả vật thể và không gian bằng các phép chiếu toán học. Hình hoạ còn rèn luyện tư duy không gian cho các kỹ sư, kiến trúc sư, họa sĩ mỹ thuật công nghiệp để phát huy tính sáng tạo. Không học hình hoạ sẽ không vẽ được đồ án xây dựng và sản phẩm mỹ thuật công nghiệp. Hình hoạ là môn học trừu tượng, rất khó với sinh viên kỹ thuật, xây dựng và kiến trúc. Tuy nhiên nếu các bạn biết phương pháp học tập thì sẽ đạt được kết quả tốt.
Nhập môn ngay với vẽ khối cầu nào!
Cách vẽ khối cầu
Khối cầu là một trong hai khối quan trọng nhất trong tất cả các khối kỷ hà. Cùng với khối lục giác, khối cầu là cơ sở tạo hình cho rất nhiều vật thể phức tạp. Hiểu rõ cấu trúc cũng như cách phân tích nguyên lý sáng tối dựa vào cấu tạo vật thể. Sẽ giúp học viên dễ dàng hơn trong việc diễn tả khối tròn sau này. Sau đây chúng tôi xin trình bày cách dựng hình & lên bóng sáng tối của khối cầu:
Bước 1:
– Đầu tiên ta canh bố cục trong tờ giấy vẽ cho cân đối, sau đó dựng khung hình vuông ra. Trong đó khối cầu nằm vừa vặn trong khung hình ấy. Từ đấy ta dựng trục dọc & trục ngang chia khung hình thành bốn phần bằng nhau.
– Từ khung hình vuông & trục dọc, trục ngang được xác định đầy đủ. Ta vẽ đường cong dựa vào cạnh ngoài của từng ô vuông nhỏ.
– Sau khi dựng hình xong hình tròn, ta xác định mặt elip với tâm là giao điểm của trục dọc & trục ngang. Để tạo độ sâu, hình thành nên khối cầu.
– Lúc dựng hình được khối cầu hoàn chỉnh, tiếp tục ta xác định đường cạnh bàn chia không gian ra làm hai phần. Bao gồm không gian đứng & không gian nằm.
Vẽ Khối Cầu – Bước 1
Bước 2:
– Sử dụng chì nhạt B để lên sáng tối cơ bản cho khối, ưu tiên lên sắc độ từ đậm nhất đến nhạt dần (nền > bóng đổ > đỉnh khối > diện tối > diện mờ > diện sáng).
– Để ý chì luôn chuốt nhọn vừa phải thường xuyên, đan nét theo chiều của vật thể để tạo khối khỏe và mạnh hơn.
– Có thể vẽ nền ngay từ đầu trước khi vẽ khối hoặc vẽ khối xong vẽ nền vào sau cũng được. Chú ý đánh nét đậm từ trong góc đánh ra.
Vẽ Khối Cầu – Bước 2
Bước 3:
– Bắt đầu tăng đậm các diện sáng tối. Lưu ý câu “gần rõ – xa mờ” để tăng đậm các diện sao cho đúng quy luật viễn cận.
Vẽ Khối Cầu – Bước 3
Bước 4:
– Hoàn thiện khối. Ở bước này lưu ý phản quang của mặt tối không nên quá sáng mà chỉ chuyển độ nhè nhẹ. Độ đậm của nền & bóng đổ phải rõ ràng đồng thời tách hẳn ra khỏi mặt tối càng tốt. Độ đậm của đỉnh khối qua mặt mờ & từ mặt mờ đến mặt sáng nên chuyển độ càng êm càng tốt, vẫn luôn phải thường xuyên đánh bóng theo chiều của khối nhằm đảm bảo vẫn giữa được độ cong của vật thể.
– Để đảm bảo sắc độ được tăng giảm – điều chỉnh đúng cách, nên tập thói quen để bài ra xa, đặt bài vẽ dưới mẫu nhằm so sánh trực tiếp, như vậy ta sẽ dễ nhìn ra lỗi sai của mình hơn để chỉnh sửa kịp thời.
– Sắc độ của mặt nền nằm không nên để quá sáng mà phải hơi trầm xuống, nhằm tách mặt nền ra khỏi mặt sáng của mẫu.
Vẽ Khối Cầu – Bước 4
Chúc các bạn thành công với cách vẽ khối cầu này nhé.