Những bộ phim tài liệu Việt Nam ấn tượng mà bạn nên xem ít nhất một lần

[UniDesign] Là thể loại phim kén người xem, ít được công chúng chú ý đến nhưng phim tài liệu vẫn là một phần không thể thiếu trong sân chơi nghệ thuật. Chủ đề của phim tài liệu đa phần nói lên những khía cạnh khó khăn, góc tối của lịch sử và cuộc sống nên thường khiến người xem có những ý kiến khác nhau, tạo nên những tranh cãi về ý nghĩa và bài học, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.

Nếu bạn muốn bắt đầu tìm hiểu về thể loại phim này, UniDesign giới thiệu đến bạn ba bộ phim tài liệu Việt Nam để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả trong thời gian gần đây như:

1. Lửa Thiện Nhân

Được trình chiếu khá hạn chế tại cả hai miền Nam Bắc của tổ quốc nhưng Lửa Thiện Nhân vẫn nhận được không ít sự quan tâm từ công chúng và truyền thông. Được biết, thời gian thực hiện “Lửa Thiện Nhân” lên đến 3 năm và mất một thời gian dài để chỉnh sửa lại nội dung cũng như chọn chất liệu âm nhạc phù hợp. Bộ phim được cho là tác phẩm tài liệu hoàn chỉnh và tuyệt vời từ sự kết hợp hài hòa của đạo diễn Đặng Hồng Giang, biên kịch Đoàn Tuấn và chất nhạc trầm lắng, nhẹ nhàng của nhạc sĩ Phú Quang.

Nội dung bộ phim ghi lại về cuộc đời của “chú lính chì” Thiện Nhân, cậu bé từng bị bỏ rơi ngay khi mới sinh và bị kiến cắn đến mức hoại tử bộ phận sinh dục và một bên chân. May mắn đã đến với Thiện Nhân khi được Mai Anh, một người phụ nữ có tấm lòng bao dung nhận nuôi và mang ra nước ngoài để giúp em tái tạo lại các bộ phận trên thân thể. Quá trình chữa bệnh, phục hồi vô cùng khó khăn với những mệt mỏi, áp lực trong thời gian dài nhưng Thiện Nhân đã không hề bỏ cuộc. Cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với Thiện Nhân khi sức khỏe của cậu bé dần hồi phục, một cuộc sống lạc quan và yêu đời dần mở ra với cậu bé.

Không chỉ đơn giản là một câu chuyện cảm động, “Lửa Thiện Nhân” được xem là câu chuyện đầy cảm hứng, lan tỏa thông điệp tích cực giúp khán giả và đặc biệt là những người có hoàn cảnh không may mắn có thêm được niềm tin vào cuộc sống cũng như những điều tốt đẹp ở đời.

THAM KHẢO: KHÓA HỌC LÀM PHIM KỸ THUẬT SỐ TẠI UNIDESIGN

2. Chuyện Tử Tế

Mặc dù được hoàn thành vào năm 1985 nhưng phải đến 2 năm sau, trải qua một quá trình khá gian nan và vất vả thì “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy mới được chính thức ra mắt khán giả. Ngay khi phát hành, bộ phim này ngay lập tức trở thành một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam khi người dân ồ ạt rủ nhau đi xem một bộ phim tài liệu tới mức phải xếp hàng rất dài và chờ đợi đến mấy tiếng đồng hồ.

Toàn bộ những thước phim “Chuyện Tử Tế” đã phản ánh đầy đủ, chân thực và ấn tượng về cuộc sống của người dân nghèo trong xã hội những năm 1980. Qua đó, khán giả cũng vô cùng thán phục đạo diễn Trần Văn Thủy trước góc nhìn nhân văn và đầy chiều sâu của ông về các sự kiện trong xã hội đương thời. Đặc biệt, là về cách mà ông trả lời cho người xem biết được, “Thế nào là sự tử tế?”.

Được báo giới quốc tế ca ngợi hết mực như một “cú nổ đến từ Việt Nam”, bộ phim tài liệu “Chuyện Tử Tế” đã đoạt giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig vào năm 1988. Đến năm 2008, bộ phim này cũng vinh dự được chọn là một trong số ít những bộ phim tài liệu được chiếu ở Liên hoan phim Viennale trong khuôn khổ chương trình vinh danh những nhân vật đặc biệt trong lịch sử điện ảnh.

Không chỉ được một số nhà phê bình có tiếng còn xếp nó vào một trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất mọi thời đại, “Chuyện Tử Tế” vẫn được các giảng viên dạy làm phim mang ra làm ví dụ tiêu biểu cho một tác phẩm phim tài liệu với kinh phí hạn chế nhưng vô cùng tử tế và chỉnh chu. Không chỉ đem đến cho người xem các cung bậc cảm xúc mà còn nhiều suy ngẫm, giá trị tinh thần đắt giá.

3. Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng

Tiếp nối hiện tượng “Chuyện Tử Tế”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cũng là một bộ phim tài liệu gây sốt khi bán hết đến 2000 vé chỉ trong ngày đầu tiên công chiếu. Đây được xem là một kỷ lục đáng nhớ trong làng phim tài liệu Việt Nam do nghệ sĩ Hồng Ánh và nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm thiết lập.

Phát hành cuối năm 2014, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng kể về cuộc đời của cộng đồng gánh hát lô tô của những người chuyển giới nói chung và chị Phụng, một người chuyển giới là bà bầu của gánh hát lô tô nói riêng.

86 phút của bộ phim là thành quả rong ruổi cùng đoàn lô tô suốt 6 tháng trời chỉ để chắt lọc ra những cảnh phim ấn tượng nhất của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Các thước phim về những cảnh đời du mục, đứng bên lề xã hội chân thực đã thành công lay động trái tim của công chúng Việt Nam. Khiến họ trải qua các cung bậc cảm xúc vừa bay bổng vừa hồi hộp, vừa thư giãn vừa căng thẳng, vừa hạnh phúc vừa đau khổ cùng các nhân vật. Để rồi đến cuối cùng rơi nước mắt thương tiếc cho số phận và tương lai mờ mịt của các nhân vật.

ĐỌC THÊM: CODA tại Oscar 2022 – Chiến Thắng Đầy Ý Nghĩa Của Bản Remake Đẳng Cấp

Nếu bạn yêu thích việc học làm phim, yêu xem phim thì đừng bỏ qua việc tham khảo các bộ phim tài liệu tuyệt vời này nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *