Một ngày bảo vệ đồ án thú vị và ý nghĩa của lớp Nội thất Khóa 1

Giữa cái nắng nóng đỉnh điểm của Hà Nội, buổi bảo vệ đồ án của Chuyên ngành Thiết kế Nội thất – Trường Đào tạo Quốc tế UniDesign đã diễn ra vô cùng sôi nổi vào ngày 4/6/2017 tại số 8 Tôn Thất Thuyết. 

Không chỉ có các thầy cô và sinh viên, buổi bảo vệ đồ án còn có sự góp mặt, đánh giá, chấm điểm của 2 vị khách mời là 2 doanh nhân trẻ trong ngành nội thất: Kiến trúc sư Ngô Ngọc Lê – Giám đốc Studio Tốc Độ và kiến trúc sư Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiến trúc Bộ Ba.

Các giảng viên của UniDesign cũng đều là chủ doanh nghiệp, kiến trúc sư lâu năm nên sự đánh giá không chỉ đứng trên phương diện giáo dục, lý thuyết mà còn rất thực tế dưới con mắt của phía một nhà tuyển dụng, một người khách hàng và cũng người làm nghề thực thụ.

Những sự cố gắng đáng ghi nhận

Để có mặt trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngày hôm đó là cả 1 sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả thầy và trò UniDesign, đặc biệt là các bạn sinh viên. Bởi nếu như thiết kế đồ họa là một chuyên ngành rất dễ để học các khóa ngắn hạn thì chuyên ngành nội thất đòi hỏi người học phải có một thời gian đào sâu tìm tòi “dài hơi”.

Để làm nội thất 1 cách thực sự, hiểu và có tư duy thiết kế,chủ động trong công việc như: khảo sát thực trạng, làm việc với khách hàng, đưa ra các bản vẽ công năng, bản vẽ kĩ thuật, bản vẽ phác thảo… thì theo mô hình đào tạo hàn lâm cũng phải kéo dài ít nhất 3 năm; riêng phần diễn họa nội thất cũng mất từ 4 – 6 tháng.

Image may contain: 20 people, people smiling, people standing

“Tại Unidesign, sinh viên có nửa kì để học các môn đại cương, kì cuối đi thực tập nên thời gian học chuyên sâu về nội thất chỉ khoảng hơn 1 năm. Vậy mà thành quả các bạn ấy mang đến buổi bảo vệ đồ án là một sản phẩm được các doanh nghiệp, công ty chấp nhận, khách hàng và chính các giảng viên ưng ý thì đó đã là một thành tích rất đáng khen ngợi.” – Cô Phạm Thu Hà (Hiệu trưởng Trường Đào tạo Quốc tế UniDesign) chia sẻ.

Khối lượng công việc để làm ra một sản phẩm nội thất rất nhiều bởi người thiết kế phải đi sâu vào chi tiết, bóc tách đến từng chiếc ghế, cái bàn… Trong thực tế làm việc, designer sẽ được đồng nghiệp hỗ trợ  rất nhiều khâu; còn Uniker thì phải tự mình làm hết, dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Ngay từ khi đi học, các bạn đã được trang bị những kĩ năng để có thể làm hết các công việc của một người thiết kế nội thất thực thụ.

Image may contain: 1 person, indoor

Lớp trưởng chững chạc của lớp Nội thất

16 bạn sinh viên bảo vệ, 16 đồ án là thành quả, tâm huyết của thầy trò UniDesign trong suốt 2 năm học vừa qua. Nhất là khoảng thời gian chạy nước rút là những đêm mất ngủ, những căng thẳng đến hoang mang, là những ngày thầy trò cùng nhau vùi đầu trong “một mớ hỗn độn”…

Thế rồi cũng qua… Các bạn sinh viên đã mang đến một sự bất ngờ lớn không chỉ với các thầy cô, mà còn với 2 vị giám khảo là các doanh nhân, chuyên gia trong ngành Nội thất. 
16 đồ án là thành quả viên mãn dành cho chính Uniker và là “huân chương” cao quý dành tặng cho các người thầy, người cô đã đồng hành, định hướng cho các bạn trẻ. 

Những sản phẩm tốt nhất

Trong buổi bảo vệ đô án hôm đó, hầu hết các sản phẩm đều được Hội đồng phản biện đánh giá tốt. Không chỉ đánh giá về sản phẩm trình chiếu mà điểm số còn căn cứ vào cả quá trình các bạn sinh viên đã nỗ lực, cố gắng. Có những sinh viên tưởng chừng phải “bỏ cuộc, bỏ nghề vì không thấy có năng khiếu”, rồi cũng cho ra được một tác phẩm “sử dụng được” dưới con mắt chuyên môn của các kiến trúc sư, doanh nghiệp. Rất nhiều bạn sinh viên có sản phẩm nổi bật hẳn lên, từ đề tài đến cách thể hiện qua video, mô hình, slide…

9,4 là điểm số cao nhất và thuộc về bạn Phạm Duy. Duy là người có tư duy tốt nhưng ở các kì học trước không có nhiều bứt phá về đề tài, các sản phẩm đều ở mức an toàn. Nhưng lần này, Duy đã có một cú bứt phá ngoại mục với đề bài mới lạ và cách thể hiện rất khoa học – Triển lãm ghế của nhà thiết kế lỗi lạc Hans J.Wegner.

Video đồ án của Phạm Duy đã gây ấn tượng mạnh với mọi người trong khán phòng 

“Sản phẩm của Duy thể hiện cách tư duy mạch lạc, làm việc thông minh khi ước lượng đc khối lượng công việc mình phải làm. Nhưng để có được kết quả mỹ mãn như vậy, Duy cũng đã phải trải qua những ngày tháng mất ăn, mất ngủ cày đồ án. Mới chỉ tuần trước đó thôi, mọi thứ còn “ngổn ngang”, lỗi render ảnh, thiếu video cho người xem thấy được quy mô và chi tiết của không gian triển lãm… Duy  là người hiểu rất nhanh nhanh, chỉ ra là nhận thức ngay được và biết cách để thay đổi. Điều này rất khó với các bạn sinh viên ít kinh nghiệm.” – Cô Phạm Thu Hà (Hiệu trưởng Trường Đào tạo Quốc tế UniDesign) nhận xét.

Chia sẻ về sản phẩm của mình, Duy nói: “Đây là đề bài em tự nghĩ ra với sự hướng dẫn của thầy Trần Minh Hiếu Hiếu. Ý tưởng em đã nung nấu từ lâu và không thay đổi trong suốt quá trình làm. Đồ án cuối cùng tại trường, em cũng muốn có sự phá cách, khác biệt vì đi làm rồi, sau này sẽ không có nhiều cơ hội để làm những thứ mình thích nữa.”

Image may contain: 5 people, indoor

Phạm Duy trong lúc thuyết trình

 

Một số ảnh trong slide trình chiếu của Duy

 

Bạn Trọng Tiến là người có điểm số cao thứ 2 với đề tài là Thiết kế nội thất cho Trung tâm truyền thông đa phương tiện Shape Land Media. “Tiến là người có tố chất, nhưng vì chưa biết cách sắp xếp công việc nên Tiến chưa chỉn chu hết được công trình của mình. Sản phẩm của Tiến rất đồng bộ về mặt concept, khai thác tốt từ hình ảnh, màu sắc của logo… nhưng đến cuối lại bị hụt hơi và phần nội thất chưa làm chi tiết.” – Kiến trúc sư Ngô Ngọc Lê – Giám đốc Studio Tốc Độ nhận xét.

Image may contain: one or more people, people sitting, screen, laptop and office

Trọng Tiến tranh thủ chỉnh sửa slide trong lúc chờ đến lượt thuyết trình

Trước ngày bảo vệ 1 tuần, Tiến đã có ý định bỏ cuộc vì khối lượng công việc ở công ty, việc làm thêm cùng với đồ án là quá sức. Nhưng được thầy cô động viên nên Tiến lại tiếp tục cuộc hành trình “nhận bằng” của mình. Đề tài Tiến chọn khá vĩ mô, có tầm nhìn của một kiến trúc sư và có tố chất để phát triển theo hướng quy hoạch.

Điểm 10 duy nhất của một trong 5 vị giám khảo đã dành cho sản phẩm của một bạn nữ. Đó là sản phẩm “Nhà trong ngõ” của Nguyễn Thị Ngọc Lan. Sản phẩm đã được KTS Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiến trúc Bộ Ba rất tâm đắc: “Đứng trên phương diện doanh nghiệp, tôi nghĩ là các sản phẩm của các bạn sinh viên đến thời điểm này đều có thể sử dụng cho thị trường hiện nay. Điểm khắc phục chung là sinh viên nên đào sâu thực tế: hiện trạng như thế nào, nhu cầu khách hàng ra sao…  Mới chỉ một vài bạn làm được và trong đó có sản phẩm của Lan. Bạn đã biết thấu hiểu khách hàng để làm ra 1 sản phẩm đúng ý họ. Tôi rất thích sản phẩm này và đã cho điểm 10 duy nhất của ngày hôm nay.”

Cũng nhận xét về sản phẩm của Lan, thầy Đặng Thành Nam có lời khen ngợi rất nhiều: “Lan có khởi đầu chậm, không nổi bật trong lớp, nhưng bứt phá nhanh ở giai đoạn cuối. 3D kỹ năng đạt, tổng thể rõ ràng. Lan đã có cố gắng hơn rất nhiều.”

Image may contain: 1 person, indoor

Sản phẩm của Lan nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía Hội đồng phản biện

Thiết kế “nuột nà” của Ngọc Lan

Ngoài 3 bạn sinh viên trên còn có sản phẩm của bạn Phúc với ý tưởng bay bay như những ngày đầu vào trường, bạn Nguyệt với phong cách tân cổ hiện đại táo bạo, bạn Trung Văn với video feedback của khách hàng đầy thú vị… Và còn rất nhiều tác phẩm của các bạn sinh viên khác nữa. Mỗi bạn một thế mạnh và mang đến cho buổi bảo vệ những bất ngờ vì sự bứt phá, lột xác.

Thiết kế căn hộ theo phong cách tân cổ hiện đại của Vũ Thị Nguyệt

Những lời chia sẻ, nhận xét tâm huyết

Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp cũng là ngày các bạn sinh viên tạm xa rời thầy cô, bạn bè trường học để chính thức bước vào đời. Sau những lời nhận xét đầy tâm huyết với mỗi tác phẩm là những lời dặn dò như những người anh, người chị đi trước dành cho “các em đồng nghiệp”.

Nghề thiết kế rất vất vả và phức tạp: cho ra ý tưởng, thuyết phục khách hàng, rồi chỉnh sửa theo ý khách. Cả quá trình ấy phải chuẩn chỉnh và liền mạch thì sản phẩm cuối cùng mới ổn được. Muốn làm được điều đó các bạn cần có đam mê. Người làm sáng tạo không có giờ hành chính. Ăn tối xong thì ngồi vào làm việc, trước khi đi ngủ cũng phải nghĩ, luôn phải trăn trở như vậy mới có thể làm tốt được. Đam mê, trau dồi, học hỏi, khát khao vươn lên mới trụ đc trong nghề.” – Kiến trúc sư Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiến trúc Bộ Ba chia sẻ.

Kiến trúc sư Ngô Ngọc Lê – Giám đốc Studio Tốc Độ cũng nhận xét: “Nhìn chung các sản phẩm đều đạt yêu cầu. Có vài bạn nếu có khả năng thì nên học tiếp về kiến trúc. Điểm khắc phục ở các bạn trẻ là cần có một concept rõ ràng hơn cho sản phẩm nội thất của mình.Và quan trọng nhất nếu muốn trở thành một nhân viên tốt chính là tinh thần học hỏi liên tục và sự tập trung. Khi tập trung làm việc bạn sẽ thấy công việc thú vị hơn, cho ra sản phẩm chất lượng hơn.”

Image may contain: 9 people, people sitting and indoor

Thầy Trần Minh Hiếu – Trưởng chuyên ngành Nội thất Trường Đào tạo Quốc tế UniDesign thì gửi gắm: “Hôm nay nhìn thấy các bạn sinh viên thuyết trình tôi rất vui và hài lòng. Khóa sinh viên này là sản phẩm đào tạo giảng dạy đầu tiên của tôi, do tôi viết giáo trình. Những ngày đầu giảng dạy, phải đến nửa lớp tôi nghĩ  khó làm được nghề nhưng rồi mỗi bạn đều có điểm mạnh để phát triển được, không ai là người thất bại và chỉ cần tìm được môi trường  phù hợp là sẽ phát triển tốt. Tôi cũng khá khắt khe với các bạn trong quá tình học, phạt, ép, đưa các bạn vào khuôn khổ. UniDesign là môi trường đào tạo thiết kế nội thất với tư duy tổng quan. Tuy nhiên các bạn cần thời gian để va chạm thực tế để phát triển hơn nữa. Lời cuối cùng tôi muốn gửi đến các bạn là: Cảm ơn các bạn vì đã cho tôi sống dậy một tuổi trẻ!”

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *