GV Nguyền Hồng Quân: “Làm phim là 1 chất adrenalin mà một khi đã yêu thì khó lòng từ bỏ”
Hãy sống với trọn vẹn đam mê và đừng từ bỏ! Nghệ thuật chưa bao giờ là con đường dễ đi nhưng gắn bó với nó sẽ giúp đời thêm sắc màu, thêm thi vị và không bao giờ phải hối hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.
Thầy Nguyễn Hồng Quân sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội. Từ nhỏ, thầy đã thích nghe nhạc và cảm nhận về những âm thanh thú vị của cuộc sống trong thế giới tuổi thơ của mình đồng thời hay tìm tòi về sự đặc biệt của những thanh âm kì diệu đó. Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy đã lựa chọn trường Điện ảnh với mong ước trở thành 1 kĩ sư âm thanh chuyên nghiệp. Nhưng rồi, sau khi làm trong lĩnh vực âm thanh được 3, 4 năm, có cơ hội làm việc với các đoàn phim chuyên nghiệp thì thầy nhận ra nếu chỉ làm về âm thanh thì việc kể chuyện sẽ không đầy đủ cho các giác quan. Thầy nghĩ rằng việc làm đạo diễn sẽ giúp mình có thêm nhiều công cụ để kể chuyện hơn và đó chính là động lực để năm 2010, thầy tốt nghiệp trường Điện ảnh 1 lần nữa với chuyên ngành đạo diễn.
Thầy Quân và team của mình đã hai lần liên tiếp đoạt giải Phim hay nhất trong cuộc thi Làm phim 48h: phim Két an toàn (2011) và phim Return (2012)
Quan điểm về làm phim
Ngay từ những phim ngắn đầu tay của thầy đã tạo được dấu ấn và những giải thưởng trong làng điện ảnh như: Phim Căn phòng (đạt giải Ong Vàng tại liên hoan phim Sinh viên toàn quốc và Cánh diều bạc 2012), 2 lần liên tiếp đoạt giải Phim hay nhất trong cuộc thi Làm phim 48h: phim Két an toàn (2011) và phim Return (2012)… Những giải thưởng này chính là động lực khiến thầy ngày càng yêu thích điện ảnh hơn và là cơ duyên để thầy “bén nghiệp” giảng dạy, đào tạo.
Các sản phẩm của thầy Nguyễn Hồng Quân
Với thầy, việc làm phim là quá trình thu nhặt những kỉ niệm. Bất cứ dự án làm phim nào cũng lưu lại trong thầy những xúc cảm đáng nhớ mà chỉ khi “đóng máy”, trở về với cuộc sống thường ngày mới thấy nó đã là 1 dấu ấn khó quên.
“Vào hè 2015, tôi tham gia làm phó đạo diễn cho 1 bộ phim truyện nhựa “Cha cõng con”. Tầm nửa tháng, chúng tôi phải ở trên 1 đỉnh núi, thiếu thốn đủ bề. Rồi có 1 đêm mưa kéo đến, 20 người trú trong 1 cái lều 30m2 nhìn ra ngoài trời sấm sét đánh liên hồi. Hôm sau đọc báo cả đoàn mới biết rằng đêm hôm trước, cách đó khoảng 20km, có đến 9 con trâu bị sét đánh chết. Lúc đó cả đoàn mới chột dạ. Làm phim là 1 nghề có khá nhiều khó khăn, thử thách nhưng nó cũng là 1 chất ma túy mà một khi đã yêu thì khó lòng từ bỏ.” – Thầy Quân chia sẻ.
Nghề làm phim không được ngại ngùng nắng nôi, mưa gió, khổ ải
Đức tính nào cần có để trở thành 1 đạo diễn giỏi?
Đạo diễn là người kể chuyện, mỗi tính cách lại hợp để kể một loại câu chuyện. Nếu bạn là người quảng giao thì bạn sẽ kể rất tốt những câu chuyên về giải trí, hài hước. Nếu bạn là người nội tâm thì câu chuyện của bạn sẽ rất sâu sắc, thiên về cảm xúc. Vì thế, theo thầy Quân: “Để chỉ ra các đức tính cần thiết của 1 người đạo diễn giỏi rất khó. Mỗi người đều có tố chất riêng để làm tốt những dòng phim khác nhau.”. Tuy nhiên, cũng có những đức tính, đặc điểm chung để nhận diện 1 người đạo diễn giỏi.
Người đạo diễn giỏi cần có sự dũng cảm và khả năng quan sát
Đức tính quan trọng nhất là sự dũng cả. Thầy cho hay: “Tôi thấy rất nhiều người thích và có thể làm phim, nhưng những người có thể ở lại với nghề mới là người ngoan cố, dũng cảm nhất. Khi bạn đủ dũng cảm và đam mê thì cơ hội thành công sẽ đến khi bạn sẵn sang đón nhận nó.”
Yêu cầu thứ hai là kĩ năng quan sát. Bạn có cảm xúc, có kĩ năng kể chuyện nhưng nếu bạn không biết quan sát thì không thể thu nhận những thứ xung quanh cuộc sống để kể 1 câu chuyện đủ hấp dẫn để thu hút người khác.
“Ai cũng có cảm xúc, ai cũng có câu chuyện muốn kể nhưng không phải ai cũng kể được ra vì chúng ta thiếu ngôn ngữ. Nếu chúng ta quan sát thì sẽ biết được cảnh nào, đạo cụ nào, nét mặt nào có thể lột tả được cảm xúc ấy. Quan sát không chỉ là nhìn mà còn là nghe, đọc, cảm nhận bằng các giác quan để khi ta cần kể 1 câu chuyện thì ta có đủ nguyên liệu cảm xúc để sử dụng, diễn tả.” – Thầy Quân nhấn mạnh về tầm quan trọng của kĩ năng quan sát.
Thú vui sau chiếc máy quay
Ngoài làm phim, dạy học, thầy Quân có 1 niềm đam mê khác mang tên “dịch chuyển”. Không cần lịch trình, không định rõ thời gian, bất cứ khi nào thầy cảm thấy chán, áp lực, thầy lại chọn giải tỏa bằng cách vi vu đến những nơi xa Hà Nội.
Thông thường, thầy sẽ chọn nơi vắng vẻ: mùa hè lên núi, mùi đông xuống biển. Và nơi nghỉ chân của thầy thường là nhà bạn bè, người quen, những nhà dân ven đường. Theo thầy, phải được ăn cơm, ngủ nghỉ, trò chuyện cùng mới đi sâu tìm tòi được nét văn hóa hay của người bản địa.
Thầy Quân ở Sapa
Bức ảnh thầy ghi lại khoảnh khắc vui chơi của trẻ con bản Tả Phìn
Đệ Nhất Đèo (Khau Phạ, Yên Bái) trong mắt thầy Quân
Thầy Quân chia sẻ rằng: “Tôi muốn sống cùng cộng đồng người dân vùng đó để tìm hiểu văn hóa được nhiều hơn. Ngoài ngắm cảnh đẹp cho thỏa mắt và tâm trí thì việc tôi gặp những người mới, nói chuyện với những người lạ và chia sẻ những câu chuyện vô thưởng, vô phạt cũng giúp tôi thoải mái đầu óc để sau mỗi chuyến đi lại căng tràn năng lượng, sinh khí. Dịch chuyển cũng là 1 cách đi thu thập chất liệu làm phim, khám phá ra nhiều bối cảnh mới lạ. Khi ở quá lâu trong 1 không gian thì sẽ cần 1 không gian mới. Có thể ý tưởng không nảy sinh ở cuối hành trình mà là ngay trên đường đã cho ra nguồn cảm hứng mới. Việc đi giúp não thông thoáng, nghĩ được nhiều điều hay ho.”
Chiếc “chiến mã” cùng thầy vi vu sang nước bạn Campuchia
Kết
Thú vui khi làm phim là được gặp nhiều người, sống trong nhiều câu chuyện. Diễn viên thì chỉ sống với 1 nhân vật trong phim còn đaọ diễn được sống trong tất cả nhân vật với tất cả các cảm xúc. Còn gì thú vị hơn là chúng ta được trải nghiệm nhiều hơn 1 cuộc đời.
“Hãy sống với trọn vẹn đam mê và đừng từ bỏ! Nghệ thuật chưa bao giờ là con đường dễ đi nhưng gắn bó với nó sẽ giúp đời thêm sắc màu, thêm thi vị và không bao giờ phải hối hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.” – Đó là lời khuyên và động viên mà thầy Nguyễn Hồng Quân dành cho các designer nói chung và những đạo diễn tương lai nói riêng.