5 Bước vẽ một bài tượng thạch cao

5 BƯỚC VẼ MỘT BÀI TƯỢNG THẠCH CAO

Bước 1: Bố cục

– Một bố cục hợp lý là bức vẽ của mình phải đạt được sự cân bằng của thị giác, không to hay không nhỏ quá so với khổ giấy mà mình đang vẽ.

– Ta phải nắm được cách đo vẽ tượng thạch cao, đo tổng chiều cao và tổng chiều ngang của bức tượng để xác định khung hình chung và cân đối với khổ giấy theo lực hút thị giác.

Bước 2: Dựng hình

– Trong cách đo vẽ tượng thạch cao, trước hết đo để chia ra các tỷ lệ từ lớn đến nhỏ của bức tượng theo chiều thẳng đứng:

+ tỷ lệ từ đỉnh đầu đến chân cằm với tỷ lệ từ chân cằm đến hết phần đế tượng

+ tỷ lệ từ đỉnh đầu đến chân lông mày với tỷ lệ từ chân lông mày đến chân cằm

+ tỷ lệ từ chân lông mày đến chân mũi với tỷ lệ từ chân mũi đến chân cằm

+ tỷ lệ từ chân lông mày đến hết phần mắt với tỷ lệ từ hết phần mắt đến chân mũi

+ tỷ lệ từ chân mũi đến chân miệng với từ chân miệng đến chân cằm

+ tỷ lệ từ chân cằm đến hết phần cổ với tỷ lệ từ hết phần cổ đến chân đế

– Chia các tỷ lệ từ lớn đến nhỏ của bức tượng theo chiều ngang:

+ xác định mặt trước của đầu tượng (khoảng cách giữa hai đuôi mắt)

+ xác định trục dọc mặt (đi qua 4 điểm)

+ xác định các trục ngang (trục mắt, trục mũi, trục miệng) và giới hạn các trục ngang đó.

– Sau khi học được cách đo vẽ tượng thạch cao và có các tỉ lệ chính xác, phác hình tổng thể toàn bộ tượng bằng những đường thẳng lớn sau đó vẽ sâu mắt, mũi, miệng. tìm đỉnh tai bằng cách gióng ngang từ chân lông mày ra, tìm đáy tai bằng cách gióng từ chân miệng ra để xác định khoảng cách. Kết thúc của trục miệng sẽ là xương quai hàm.

VẼ TƯỢNG NGƯỜI GIÀ - luyenve.weebly.com

Việc dựng hình đòi hỏi bạn phải đo đạc thật tốt, phải so sánh thật kỹ, phải gióng ngang, gióng dọc các điểm, phải kiểm tra các hướng và ngoài ra để có thể nhanh hơn trong việc dựng hình các bạn có thể dùng mắt quan sát và so sánh giữa các bộ phận (hoặc dùng que đo để đo so sánh giữa các bộ phận).

– Công việc dựng hình đòi hỏi các bạn phải dựng tổng thế trước và dựng nhanh bằng các đường kỳ hà (đường thẳng). Phân chia bức tượng ra thành những mảng hình lớn trước rồi trong những mảng hình lớn đó phân chia dần thành những mảng hình nhỏ hơn.

– Dựa vào kiến thức về giải phẫu, các bạn sẽ hiểu và dựng hình chuẩn hơn. Đặc biệt lưu ý, khi dựng hình, các bạn không nên tẩy những nét phác đi, vì đó chính là cơ sở để các bạn kiểm tra lại hình xem đã đúng chưa. Các nét phác sai sau này các bạn có thể dùng làm nét đánh bóng.

– Dựa vào những hình kỷ hà và những nét phác khi dựng, bạn hình dung trên đầu tượng cũng có những nét phác đó, kiểm tra xem những hình kỷ hà (hình tạo bởi những đường thẳng) trên bài vẽ đã đồng dạng với những hình trên tượng chưa. Đó có thể là một hình tam giác, hìnhtứ giác, vv… bạn xem những hình tam giác hay tứ giác đó trên bài vẽ của mình đã đồng dạng với những hình tương ứng trên tượng chưa. Tương tự với hai điểm chính nào đó sẽ tạo thành một đường chéo, dùng que đo kiểm tra xem hướng các đường chéo đó trên bài vẽ của bạn đã trùng với hướng những đường chéo trên tượng chưa, vv…

Bước 3: Tạo khối (lên sắc độ)

Sau khi học được là cách đo vẽ tượng thạch cao và cách dựng hình cơ bản dựa vào tỉ lệ đó, ta cần tạo khối cho hình đã dựng

– Tìm đường chu vi giữa hai vùng sáng tối, sau đó phủ toàn bộ vùng tối lớn bằng nhiều lớp chì nhẹ đến khi thấy có sự tương phản giữa vùng tối và vùng sáng thì dừng lại (giúp bài vẽ thể hiện được khối lớn) rồi dần dần mới đi vào hoàn thiện những mảng nhỏ hơn trong những mảng lớn đó.

– Đẩy sâu đậm nhạt vào các chi tiết chính như mắt, mũi, miệng rồi đến các chi tiết phụ như tóc, cổ,… đối với những tượng có râu tóc rườm rà có thể đơn giản lại các chi tiết phụ đó để làm nổi bật các chi tiết chính…tránh tình trạng đánh sắc độ vào mãi một chỗ.

– Khi tạo khối (lên sắc độ) các bạn lên từng lớp dần dần theo các mảng (hay các cơ) của tượng, phải đảm bảo tương quan sắc độ của toàn bài , cứ như vậy chỗ nào tối hơn các bạn cứ phủ thêm lớp chì nữa, khi nhìn tổng thể bài đã đạt được sắc độ nhất định thì nên dừng lại và bắt đầu đi sâu hơn vào các mảng chi tiết của mắt mũi miệng trước, rồi đến các bộ phận khác, lên tiếp các mảng đậm, tẩy nhẹ những mảng nhạt, vv…

– Trong quá trình lên sắc độ có thể các đường phân mảng của các bạn sẻ biến mất nên các bạn gợi nhẹ lại để thấy và bắt đầu chỉnh lại hình bằng những đường cong để hình mềm lại.

– Phải luôn phân biệt những sắc độ chính như: tối của tối, bóng đổ, sáng phản quang, sáng của sáng (độ chói),… phải luôn so sánh tương quan các sắc độ với nhau trong bài như độ sáng trong mảng sáng, độ sáng trong mảng tối, vv…

– Khi các bạn lên sắc độ cũng phải quan tâm một chút đến luật xa gần – gần tỏ, xa mờ. Các đối tượng ở xa các bạn nên thả nhẹ sắc độ.

– Sau khi lên khối xong bài vẽ của các bạn phải đạt được tiêu chí của một bài mỹ thuật (như về hình, về sắc độ tối thiểu của từng mảng).

Bước 4: Cài nét kỹ thuật

– Sau khi tạo khối đạt được đầy đủ các yêu cầu của một bài mỹ thuật các bạn bắt đầu cài nét kỹ thuật vào bài, ganh nét, làm nét bật lên ở tất cả các mảng tối – trung gian – sáng của bài vẽ.

– Cách ganh nét và điều khiển nét chỉ được giảng dạy trực tiếp tại lớp.

VẼ TƯỢNG NGƯỜI GIÀ - luyenve.weebly.com

Bước 5: Đánh nền

– Đánh nền là để giải quyết xa gần, để cân bằng lại sắc độ, để tạo ra chiều sâu của không gian, để tạo nên sự tương đồng và tương phản, tạo ra mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa không gian bên trong bức tượng và bên ngoài bức tượng.

– Đánh nền là một bước khá quan trọng góp phần làm bức tượng bật ra khỏi tờ giấy.

 
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *