Sự chuyển mình mạnh mẽ của thế giới thời trang
Có 50 mẫu về thời trang bền vững được trưng bày tại Hà Lan trong Lễ khai mạc triển lãm State of Fashion, bao gồm hàng dệt may được tạo ra từ túi nhựa và giày da được làm bằng da cá. Trong một bài phỏng vấn gần đây, José Teunissen đã chọn ra những mẫu nổi bật nhất.
Gần đây trong show diễn tại De Melkfabriek thuộc Arnhem, State of Fashion 2018: Searching for the New Luxury đã cho chúng ta thấy rằng thời trang đang dần trở nên bền vững hơn thông qua sự ra đời của các kỹ thuật và công nghệ sáng tạo mới.
Bằng việc kết hợp các tác phẩm của Vivienne Westwood và Stella McCartney, cũng như sát nhập các studio như Orange Fiber và Rafael Kouto, buổi triển lãm này là lời đáp trả cho biến động lớn mà nền công nghiệp này đang đối mặt, như việc các khách hàng nhanh chóng nhận thức được sự hoang phí và bóc lột mà ngành này đang gây ra.
“Nó là sự suy ngẫm lại về mặt cơ bản thời trang là gì,” Teunissen, giám đốc thiết kế và công nghệ tại trường Cao đẳng Thời trang London, giải thích.
“Sẽ không còn xu hướng thực nào nữa”
“Chúng ta nhận thức được rằng hệ thống thời trang hiện đang có sự chuyển mình rất lớn,” bà chia sẻ. “Chúng ta cũng đều hiểu rằng ngành này vô cùng ô nhiễm. Khách hàng đang ngày càng nhận thức được quần áo của họ được sản xuất trong điều kiện môi trường vô cùng tệ.”
Tốc độ sản xuất gia tăng đáng kể bởi các thương hiệu thời trang phải sản xuất những bộ sưu tập mới trong mỗi sáu tuần. “Rồi sẽ không còn những xu hướng thực nào nữa. Nó chỉ là một chiêu thúc đẩy thị trường nơi mà con người cố gắng tung mọi thứ ra thị trường. Điều này thật sự rất lãng phí.”
Triển lãm của Teunissen xoay quanh một tuyên ngôn thể hiện nỗ lực tìm kiếm đẳng cấp mới của sự sang trọng mà thời trang hướng tới. Tám hashtag: #imagination, #agency, #essential, #tech, #care, #reuse, #fairness, và #nowaste – được đi kèm trong toàn bộ dự án.
Tìm kiếm đẳng cấp sang trọng mới trong thời trang
“Chúng tôi đặt tên cho nó là Tìm kiếm đẳng cấp sang trọng mới trong thời trang bởi vì hiện tại chưa có một câu trả lời xác định nào cả,” Teunissen chia sẻ.
“Đẳng cấp sang trọng mới là về trí tưởng tượng và việc đưa ra những ý tưởng mới, và một thế giới mới phù hợp hơn với cuộc sống và giá trị thường nhật của chúng ta.”
State of Fashion là một sự kiện thời trang mới được tổ chức bốn năm một lần, thay thế cho Arnhem Fashion Biënnale. Lễ khai mạc sẽ tiếp diễn đến ngày 22 tháng 7 năm 2018.
Dưới đây là năm tác phẩm nổi bật của Teunissen trong show diễn này:
We Are Not Sheep của VIN + OMI
Studio thời trang và đa truyền thông có trụ sở tại London – VIN + OMI, là một đơn vị tiên phong trong trào lưu thời trang bền vững bằng việc phát triển các chất liệu sinh thái học (eco-textiles) từ năm 2004. Bộ sưu tập gần đây nhất của họ, We Are Not Sheep, phản ánh niềm đam mê của bộ đôi này trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường.
“Sự hứng thú của họ thể hiện ở việc họ không gọi mình là một thương hiệu mà là một ý thức hệ,” Teunissen chia sẻ. “Họ làm việc chủ yếu với các tổ chức cộng đồng địa phương và phát triển các chất liệu từ vật liệu phế thải. Họ hỗ trợ các dự án làm sạch sông hồ ở Thượng Hải và New York và cũng sẽ phát triển một dự án như thế ở London để xử lý nhựa phế thải trên sông Thames.”
VIN + OMI đã sản xuất 12 loại vải độc đáo, bốn trong số đó được trưng bày tại triển lãm, bao gồm: rPET, một loại vải dệt từ nhựa đại dương được tận dụng; latex bền vững (và phân hủy sinh học) hỗ trợ các cộng đồng ở Malaysia; vải lông nỉ ‘không giết chóc’ thu được từ những con lạc đà nuôi; và 4Ganic, một loại vải thực vật.
Freedom của Yuima Nakazato
Nhà thiết kế người Nhật, Yuima Nakazato, đã phát triển một hệ thống dệt vải kỹ thuật số độc đáo cho phép bạn tạo ra các bản cập nhật từng phần của trang phục, từ đó quần áo sẽ có khả năng tồn tại suốt đời cùng bạn.
Hệ thống này cho phép các vật liệu phong phú như cotton, nylon và len được kết hợp tự do mà không cần sử dụng kim và chỉ.
“Nó hoạt động dựa trên một máy quét viền 3D và công nghệ cắt laser để tạo ra những đơn vị vải với các dãy số sê-ri – một loại DNA,” Teunissen cho biết. “Nakazato đã ra mắt sản phẩm này như một bộ sưu tập Haute Couture tại Paris, tuy nhiên thật tốt khi biết rằng bạn cũng có thể sử dụng kỹ thuật tương tự cho những chiếc áo khoác bomber hay những chiếc quần jean.”
A21 của Osklen và Instituto E
Đối với dòng phụ kiện này, thương hiệu đã sử dụng da của Pirarucu, một trong những loại cá nước ngọt lớn nhất thế giới.
“Osklen là ông lớn trong lĩnh vực thời trang cao cấp tại Brazil. Trong 10 năm qua, nhà thiết kế Oskar Metsavaht đã làm việc cùng với Instituto E, một nhà sáng lập thường hỗ trợ các tổ chức cộng đồng địa phương.” Teunissen chia sẻ.
“Đây là dự án liên quan đến một nhóm ngư dân đến từ Amazon, những người kiếm sống bằng Pirarucu. Họ đã không hề sử dụng da cá cho đến gần đây. Hiện tại, phần còn lại này được dùng cho túi xách và giày của Osklen. Nó mang lại chất lượng rất tốt và cũng rất mềm nữa.”
Osklen sử dụng Piarucu từ bang Rodonia, hợp tác cùng với những người dân ở đây để nuôi cá an toàn song song với việc bảo vệ vùng Amazon và hỗ trợ cư dân địa phương. So với việc chăn nuôi gia súc, mô hình này sản sinh ra lượng khí thải CO2 thấp hơn, trong khi nông dân đạt năng suất lao động cao hơn 40% so với chăn nuôi gia súc trên cùng một mảnh đất.
Handmade with Love của Vivienne Westwood
Handmade with Love là một tác phẩm sắp đặt trong không gian nhất định với 100 chiếc túi Vivienne Westwood Ethical Fashion Initiative làm từ vải tái chế, biểu ngữ ven đường tái sử dụng và đồng thau tái chế được sản xuất tại Kibera, khu ổ chuột lớn nhất của Nairobi.
“Đây là một dự án mà Vivienne Westwood đang hợp tác cùng với Viện Đạo đức Thời trang và Liên Hợp Quốc, làm việc với các thợ thủ công địa phương ở Nairobi, Kenya,” Teunissen cho biết.
“Dự án bắt đầu với những gì các công nhân ở đó có thể làm được – bởi vậy mà họ đã sử dụng canvas và các nguyên liệu có sẵn, cùng với kỹ thuật in khối tại địa phương. Thông thường họ phải tuân thủ các qui định sản xuất, nhưng thay vào đó Westwood điều chỉnh để phù hợp với họ và mang đến cho họ một loại tự do.”
“Vivienne đã triển khai dự án này được 10 năm và bà luôn nói rằng: “Đây không phải là từ thiện, đây là công việc, là mang lại cho họ một cuộc sống.”
Conscious Contemporary Craft: Connecting Communities của Fondazione Zegna, San Patrignano and London College of Fashion
“Đây là một dự án hợp tác của Quỹ Zegna với một cộng đồng phục hồi chức năng cho người trẻ ở San Patrignano, Cao đẳng Thời trang London (LCF) và một nhà tù nữ ở Anh,” Teunissen chia sẻ.
“San Patrignano, nằm ở miền Bắc nước Ý, là một cộng đồng giúp khôi phục chức năng cho người trẻ thông qua các liệu pháp. Dệt tay là một trong những hoạt động chính trong cộng đồng. Từ năm 2013, Fondazione Zegna đã và đang hỗ trợ hội thảo nhằm thúc đẩy sự khéo léo, hỗ trợ phát triển cộng đồng và hiện đại hóa các kỹ thuật thủ công để đáp ứng kỳ vọng của thị trường thời trang.
Trong khi đó, LCF phối hợp Making for Change, đơn vị đào tạo và sản xuất thời trang của họ trong nhà tù nữ của HMP Downview tại Anh. Dự án nhằm mục đích trang bị cho các tù nhân các kỹ năng chuyên môn trong một môi trường được hỗ trợ.
Nguồn: designs.vn